Phượt miền Tây – Ngày thứ hai, phần 1

Sáng ngày thứ hai tôi dậy thật sớm để tranh thủ đi tham quan thêm một số điểm ở Cần Thơ trước khi đi sang An Giang. Theo như lịch trình thì điểm đầu tiên là chùa Munirensey, đây là một ngôi chùa Khmer được xây dựng khá lâu đời ở Cần Thơ, qua nhiều đợt xuống cấp và được trùng tu thì hiện tại nhìn chùa rất khang trang, đẹp đẽ.

Ngoại cảnh chùa

Ngó nghiêng chụp chọt cảnh chù một lúc tôi đánh xe đi đón bạn tôi ăn sáng, đi đến một miền đất mới mà có bạn dẫn đường chỉ chỗ ăn chơi thì thật là tuyệt vời, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian đi loanh quanh ăn uống mà lại còn được ăn đúng những nơi chất lượng. Sáng nay bạn tôi dẫn đi ăn bánh mì xíu mại trên đường gì tôi quên mất rồi, nhưng quán này rất nổi tiếng bạn có thể hỏi người dân xung quanh chỗ bán bánh mì xíu mại, hay quán “lẩu bò Sil Mỳ” ở đâu người ta sẽ chỉ cho bạn, quán này sáng thì bán bánh mì còn tối thì bán lẩu bò rất ngon.

Địa điểm tiếp theo gần ngay đó cũng rất nổi tiếng ở Cần Thơ đó là Chùa Ông. Đây là ngôi chùa do cộng đồng người Hoa xây dựng cũng đã lâu đời, hiện đã được phong danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia. Những ngày đầu năm, mọi người đi chùa khá nhiều để cầu chúc cho gia đình và cúng tam tai để tránh xui xẻo.

Đáng lý ra theo kế hoạch tôi sẽ đi tham quan chợ nổi Cái Răng, nhưng theo lời khuyên của bạn tôi thì cũng giống như ở Cái Bè, thời gian này người dân vẫn chưa họp chợ nên nếu có đi thì cũng sẽ không thấy được gì. Mặc dù những người cho thuê ghe xuồng vẫn quả quyết là đã có chợ họp rồi nhưng tất nhiên là tôi phải tin bạn tôi hơn rồi. Thôi thì đành hẹn một dịp khác tôi sẽ đi cả Cái Bè và Cái Răng luôn vậy.

Rời khỏi Chùa Ông tôi sẽ đi tham quan tiếp Nhà cổ Bình Thủy, vì địa điểm này nằm cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ nên tôi đành chia tay bạn mình tại đây để tiếp tục chuyến hành trình một mình. Nhà cổ Bình Thủy nằm trên một con đường nhỏ dẫn qua một khu chợ tấp nập, từ khu chợ đi một khoảng ngắn nữa sẽ thấy ngôi nhà nằm lặng lẽ trên một khuôn viên rộng rãi, sát bên nhà là một phòng trưng bày tranh của một họa sĩ nào đó không rõ tên tuổi. Đây lại là một căn nhà kiểu Nam Bộ nữa nên dĩ nhiên là tôi cực kỳ yêu thích nó. Ngôi nhà cổ 5 gian 2 mái này được gia đình họ Dương xây dựng theo kiến trúc Pháp đến nay gần 150 năm, vẫn còn khá nguyên vẹn.

Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Vô nhà bạn có thể chụp hình nhưng không được chụp bàn thờ, đây là một điều kiêng kỵ, lúc thấy cái bàn thờ đẹp quá tôi đang định giơ lên chụp thì bác chủ nhà đã nhắc nhở ngay. Nội thất trong nhà được bố trí hợp lý, tạo cảm giác thoải mái, thoáng đãng. Đặc biệt là dù ngoài trời nắng chang chang như đổ lửa nhưng vào nhà lại cảm thấy mát mẻ, dễ chịu vô cùng.


Căn nhà thuộc sở hữu của gia tộc họ Dương, đã được xếp hạng Di tích quốc gia

Nội thất bên trong nhà

Bác chủ nhà

Có một điểm thú vị nữa về ngôi nhà này, nơi đây được chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim nổi tiếng L’amant của Pháp, bộ phim đã rất quen thuộc đối với những người yêu điện ảnh Việt Nam dưới cái tên “Người Tình”. Bác chủ nhà đã dành hẳn một góc nhà để trưng bày những vật kỷ niệm của bộ phim cho du khách tiện tìm hiểu.

Nhà cổ Bình Thủy là điểm tham quan cuối cùng của tôi tại Cần Thơ, từ đây tôi tiếp tục chạy thẳng một mạch tới thành phố Châu Đốc ở An Giang để tham quan một loạt các chùa ở núi Sam. Trên đường đi tôi lại được tiếp tục chiêm ngưỡng những cây mai đẹp đáng kinh ngạc.


Khi đến núi Sam điều tôi cảm nhận được rõ ràng nhất ở nơi này đó là người dân rất sùng đạo, khách du lịch thập phương, những người hành hương, dân địa phương kéo đến đây rất đông, các chỗ giữ xe lúc nào cũng tấp nập khách ra vào, những lò nhận quay heo để cúng bái thì mọc lên nhan nhản khắp đường dẫn tới núi. 

Ở đây nổi nhất là Miếu Bà chúa xứ núi Sam, người dân kéo đến đây cúng bái rất đông, miếu phải thuê rất nhiều bảo vệ cả trong lẫn ngoài để đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là trong mùa tết như thế này. Nếu như đây là lần đầu đến đây, không phải đi cúng bái gì thì tôi khuyên bạn nên đi vào thật nhanh để xem sơ sơ một vòng rồi quay ra ngay, vì cơ bản bên ngoài nhìn miếu khá đẹp và bề thế nhưng bên trong cũng không có gì đặc biệt ngoài rất rất đông người lũ lượt ra vào. Đứng ở bên trong một hồi rất nóng, hơi người tỏa ra rất khó chịu, chưa kể những nơi đông đúc như vầy là thời cơ thuận lợi cho bọn đạo tặc ra tay, bạn cần phải hết sức cảnh giác.


Miếu Bà nhìn từ bên ngoài

Quang cảnh bên trong chùa

Người dân đến cúng bái rất nhiều, đặc biệt ở đây còn có dịch vụ cho thuê heo quay để cúng

Nhưng đối với tôi, đây là khung cảnh đẹp nhất ở Miếu Bà

Xung quanh khu vực Miếu Bà còn có Tây An cổ tự cũng là một ngôi chùa khá đẹp, ngoài ra ở đây còn ngập tràn những tiệm bán mắm. Châu Đốc được mệnh danh là vương quốc mắm quả không sai chút nào, tại đây bạn có thể tìm thấy đủ các loại mắm từ bình dân tới cao cấp với đủ loại mùi vị khác nhau. Điều thú vị ở đây là người bán mắm rất chuộng các số lặp và dùng những cái tên có âm “ảo” để đặt tên cho hiệu mắm nhà mình, chẳng hạn “Mắm bà giáo Thảo 9999999”, “Cô giáo Thảo 777777”, “Cô giáo Hảo 111111″… tạo nên một nét thú vị rất đặc trưng.


Mắm, mắm everywhere

Tây An cổ tự, bớt đông hơn Miếu Bà rất nhiều

Bên trong chùa

Còn tiếp

Leave a comment